[PHƯƠNG PHÁP HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN]
Trong học tập, ai cũng muốn mình học được tốt tất cả các môn và để làm được điều đó thì mỗi chúng ta cần phải tự tìm cho mình một phương pháp học tập sao cho nó phù hợp với điều kiện của mình và mang lại hiệu quả cao. Với ngành Công nghệ thông tin thì “Học nhóm” là một phương pháp đúc kết toàn bộ kinh nghiệm để thành công khi học. Ngoài ra, bạn cũng cần biết thêm hai nguyên tắc nữa, đó là “tự đánh giá” và “tự học”. Hãy cung xettuyenonline.vn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chắc chắn sẽ không lãng phí thời gian của bạn đâu!
I. Nguyên tắc thứ nhất: Phải biết tự đánh giá mình đang ở đâu
Thứ nhất: Tự đánh giá có nghĩa là biết mình đang ở đâu. Ngay học kỳ đầu tiên, có thể bạn sẽ cảm thấy thua thiệt so với một số bạn bè. Nhưng đừng than thở rằng trước kia (hồi phổ thông), bạn chưa được chuẩn bị về kiến thức tin học cơ bản, chưa từng học qua lập trình, chưa quen đọc sách tiếng Anh. Cũng đừng nản chí nếu bạn chưa có máy vi tính, chưa tiếp xúc với Internet. Đó là những suy nghĩ tiêu cực và sẽ làm giảm sức phấn đấu của bạn.
Thứ hai: Tự đánh giá còn có nghĩa là biết được bản thân mình cần gì và không cần gì. Quan trọng là bạn phải dám đưa ra một quyết định chính xác mình sẽ chọn lựa hướng đi nào. Sau đó hãy cố gắng thực hiện nó, nếu cùng với những người bạn khác thì càng tốt. Có thể vài lần thất bại mới có thể giúp bạn tìm ra được điều mà mình thực sự cần. Trong phạm vi hiểu biết của tôi, đó là cách tốt nhất để thực hiện.
Thứ ba: Tự đánh giá cũng có nghĩa là biết nhìn nhận mọi sự việc theo đúng bản chất của nó. Bởi vì kiến thức trong ngành CNTT thật rộng lớn mà trình độ của mọi sinh viên khi mới vào trường thì đều chưa cao, nên các sinh viên thường hay bị dao động
Thứ tư: Một biểu hiện quan trọng của tự đánh giá là phải biết lắng nghe và đưa ra ý kiến của mình. Biểu hiện của người thiếu tự tin là không dám nghe người thực sự am hiểu nói (mà chỉ quan tâm đến những cái “nghe nói rằng”), trong khi biểu hiện của người tự mãn là luôn nhận định đúng hoặc sai ngay khi người khác chưa trình bày xong vấn đề.
Cuối cùng: Tự đánh giá có nghĩa là biết nhận lấy thất bại. Khó có ai học suốt một quãng thời gian mà chưa bao giờ bị điểm dưới trung bình, cũng có khi bạn thua kém bạn bè ở chính sở trường của mình, hoặc liên tiếp nhận các thất bại khiến bạn nghi ngờ khả năng của mình. Khả năng của một người là khái niệm vô hình, chỉ có thể đánh giá qua các kết quả cụ thể. Điều gì quyết định đến kết quả? Đó là phong độ và đẳng cấp của bạn. Chẳng hạn, phong độ trong một ngày thi sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả bài thi hôm đó. Nhưng phần lớn là do đẳng cấp của bạn trong môn đó. Phong độ có thể thay đổi theo từng ngày, có thể do thời tiết, do người yêu của bạn, do ngày hôm trước có trực tiếp bóng đá,… Nhưng đẳng cấp thì chỉ tiến hoặc lùi sau một thời gian tương đối dài.
II. Nguyên tắc thứ 2: Những ích lợi của học nhóm
1. Hãy tập hợp lại để cùng phát huy điểm mạnh
Các bạn đang lẻ loi và cảm thấy mình học chưa tốt. Hãy tìm những người bạn. Nếu bạn đang lẻ loi nhưng tin rằng mình đang học tốt, bạn vẫn nên tìm những người bạn để có thể học tốt hơn. Một nhóm học tập hiệu quả được đánh giá qua một tiêu chuẩn duy nhất: nhóm ấy giúp các thành viên hài hoà cả đối nội lẫn đối ngoại, giúp thành viên học tốt hơn.
2. Không nên quá áp lực vì điểm số
Nếu các bạn hỗ trợ nhau học tập sẽ đem lại những lợi ích lớn lao cho mỗi thành viên. Thứ nhất, đây là cách thức hiệu quả nhất để bạn có được điểm số cao trong học tập. Có một số người rất thông minh nhưng thi cử lại rất lận đận. Có một số người rất chăm chỉ, nhưng điểm số cũng không được như ý. Bởi vì họ chưa biết cách học và thi cho thật tốt. Bí kíp đơn giản nhất để có được điểm cao trong các kỳ thi là phải “luyện đề” thật nhiều. Bạn có thể tìm thấy đề thi các năm trước ở các tiệm photo trong trường. Xem qua chúng và giải các bài trong đó, với phương châm: nhiều hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Các bạn hãy tập hợp thành những nhóm nhỏ và cùng nhau học thi. Từng người trong nhóm sẽ đảm nhận 2,3 môn. Đối với từng môn, người đó sẽ chịu trách nhiệm hệ thống lại kiến thức của toàn môn học, nhấn mạnh những điểm quan trọng. Ngoài ra, cũng cần phải giải hết các đề thi, sau đó chọn lựa những bài tinh hoa nhất rồi đề nghị những người còn lại giải qua.
Phải nhắc đến lợi ích của việc cùng học thi là nó sẽ thúc đẩy các thành viên chăm chỉ hơn. Sự ganh đua, hợp tác sẽ giúp mọi người cảm thấy việc giải một số lượng lớn các bài tập trong một thời gian ngắn đỡ nhàm chán hơn so với khi làm một mình. hãy cùng làm với những người bạn của mình. Đó là bí quyết đơn giản để có điểm số cao.
3. Tìm mọi cơ hội để học Nhóm giúp tiếp thu kiến thức hiệu quả
Nhìn chung, ngay cả những sinh viên đạt được điểm số cao nhất ở khoa CNTT cũng chỉ dành tổng cộng tối đa là 6 tuần trong một học kỳ để tập trung học thi. Mà một học kỳ có đến 15 tuần, cộng thêm 3 đến 4 tuần dành cho thi cử. Ngoài ra còn chưa kể đến khoảng thời gian nghỉ hè và nghỉ Tết. Như vậy, dù cho thi cử có là sự đối phó đối với bạn, thì bạn vẫn còn rất nhiều thời gian để học và làm những gì mà bạn cho rằng thật sự cần thiết. Ngoài điểm số, ranh giới giữa một sinh viên học tốt và một sinh viên học chưa tốt còn nằm ở chỗ ai biết tận dụng khoảng thời gian rộng rãi này. Một nhóm học tập hoạt động hiệu quả sẽ giúp các thành viên biết làm đúng việc vào đúng thời điểm.
Bất kỳ nhóm học tập nào cũng gặp khó khăn, không sớm thì muộn. Có thể là do khó khăn của riêng một cá nhân, chẳng hạn không đủ thời gian, chưa đủ trình độ, không hợp tính,… Cũng có thể cách tổ chức nhóm chưa hiệu quả. Cho dù hoàn cảnh có thất vọng thế nào đi nữa, hãy cố gắng tiến lên. Vì nếu bỏ cuộc, bạn chỉ còn lại hai lựa chọn. Hoặc là tập trung hoàn toàn vào việc học vì điểm số, nó không thú vị lắm đâu. Hoặc là buông xuôi tất cả, nghĩa là cuộc đời sinh viên của bạn đã chấm hết. Vì vậy, các bạn phải kiên trì.
Nếu như một người trong nhóm nản chí, bạn hãy truyền sự kiên nhẫn của mình cho người đó. Đây là lợi ích lớn nhất và cũng là duy nhất mà việc học một mình không thể có được. Sự động viên, giúp đỡ, ganh đua lẫn nhau trong nhóm tạo nên động lực mạnh mẽ cho các thành viên.
III. Nguyên tắc thứ 3: Hãy tự học để chinh phục bước tiến trong tương lai.
Kiến thức ngành CNTT thay đổi rất nhanh. Phần cứng, cụ thể là vi xử lý, phát triển theo định luật Moore, cứ mỗi 18 tháng thì tốc độ CPU tăng gấp đôi. Đây là sự phát triển cực nhanh nếu so với những ngành nghề khác. Nhưng đó cũng chưa phải là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất. Phần mềm còn phát triển nhanh hơn, bởi vì bạn luôn thấy phần cứng ra đời là để đáp ứng nhu cầu của phần mềm, Internet cũng là một môi trường phát triển chóng mặt.
Bạn làm gì để theo kịp tốc độ đó? Chỉ có thể là tự học. Nói một cách dễ hiểu, có hai nhóm kiến thức bạn cần phải tự học. Thứ nhất, đó là những kiến thức được giả định là bạn phải biết. Thứ hai, đó là những kiến thức mà không một ai có thể dạy bạn. Không ai khác có thể chỉ rõ từng bước để bạn có thể nghiên cứu ra một công trình khoa học hoàn toàn mới, không ai khác có thể rèn luyện cho bạn kỹ năng lập trình thuần thục, không ai khác có thể giúp bạn mọi việc để dựng nên một công ty tin học,… Người đó chỉ có thể là bạn.
Khi đã nắm rõ được những nguyên tắc trên, bạn hãy tìm những người bạn có cùng suy nghĩ với mình để có thể cùng nhau tiến bước đi lên! Chúc các bạn thành công với ngành Công nghệ thông tin!
Bài viết liên quan
- [HỌC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CẦN TỐ CHẤT GÌ]
- [HỌC QUẢN TRỊ MẠNG CẦN TỐ CHẤT GÌ]
- [HỌC CHĂM SÓC TÓC CẦN TỐ CHẤT GÌ]
- [HỌC DƯỢC CẦN TỐ CHẤT GÌ]
- [THU NHẬP CỬ NHÂN TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG BAO NHIÊU?]
- [THU NHẬP KỸ SƯ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN BAO NHIÊU]
- [PHƯƠNG PHÁP HỌC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG]
- [PHƯƠNG PHÁP HỌC NGÀNH ĐIỆN CÔNG NGHIỆP]
- [HỌC ĐIỆN TỬ CÔNG NGHIỆP TRƯỜNG NÀO TỐT NHẤT]
- [HỌC QUẢN TRỊ KINH DOANH TRƯỜNG NÀO TỐT NHẤT]